Giá Điều hòa tăng cao vì bị “ôm hàng”

Ông Lê Kinh Hùng - Phó Giám đốc hệ thống siêu thị điện máy Pico Plaza cho hay: “Sức tiêu thụ mặt hàng điện tử, điện lạnh thời điểm này không tăng so với năm ngoái, có sự sụt giảm nhẹ và nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp”. Các mặt hàng điện lạnh, điện tử ở phân khúc giá bình dân và cao cấp đều có mức tiêu thụ ngang nhau.

Những năm trước, từ đầu tháng 4, thị trường điện lạnh đã bắt đầu “nóng” Thậm chí, năm 2010, các sản phẩm điều hòa đã tăng giá thêm ít nhất 1 triệu đồng/bộ do nắng nóng cao điểm. Tuy nhiên, năm nay, hiện giờ đã là giữa tháng 4 song thời tiết còn mát mẻ, dễ chịu nên người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm tới các sản phẩm “chống nóng”.

Ông Nguyễn Cảnh Ngọc - Phụ trách kinh doanh, Công ty cổ phần Xây dựng và kỹ thuật lạnh Việt Nam (Vinacore Group) nhận định, sức mua các mặt hàng điện lạnh trên thị trường hiện nay giảm 15-20% so với cùng kỳ năm 2010. Ông Ngọc cho biết, các loại điều hòa có giá trị thấp thời điểm này lại bị sụt giảm về tiêu thụ so với các loại điều hòa có giá trị cao nhưng tiết kiệm điện.

Ghi nhận từ các siêu thị điện tử, điện máy cho thấy, để đối phó với sức mua giảm, các doanh nghiệp đã làm việc với nhà sản xuất để đưa ra các chính sách giá tốt, khuyến mãi, giảm giá tặng kèm quà. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đẩy mạnh quan tâm tới chiều sâu trong kinh doanh bằng các chế độ hậu mãi, bảo hành sản phẩm, vận chuyển miễn phí trong phạm vi bán kính quy định, miễn phí lắp đặt…

Đại diện các doanh nghiệp đều khẳng định, giá xăng dầu tăng không làm tăng chi phí vận chuyển các mặt hàng điện lạnh, điện tử tới tay người tiêu dùng. Giá các mặt hàng điều hòa nói riêng và điện tử, điện lạnh nói chung đều tăng so với năm 2010, tập trung vào các mặt hàng nhập khẩu do tác động của tỷ giá.

Theo ông Nguyễn Cảnh Ngọc, điểm khác biệt của thị trường điện lạnh năm 2011 so với năm 2010 là sự lên ngôi của các sản phẩm điều hòa tiết kiệm điện. Các loại điều hòa có tích hợp công nghệ Inverter tiết kiệm điện dù có giá trị cao song lại được ưa chuộng hơn loại điều hòa có mức giá trung bình. “Điều hòa là mặt hàng tiêu tốn nhiều điện nhất trong các vật dụng gia đình, do vậy giá điện tăng, thời tiết thì nóng bất thường khiến người dân phải cố gắng mua loại điều hòa này. Dù mức tiền cao hơn nhưng trong tương lai sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn do chênh lệch tiền điện qua các tháng mang lại” - ông Ngọc cho hay.

Cùng chung nhận định này, ông Lê Kinh Hùng dự báo: “Xu thế là các sản phẩm tiết kiệm năng lượng sẽ được lựa chọn nhiều hơn”. Và vào đầu mùa nóng, các nhà sản xuất lớn như: Panasonic, LG, Sanyo… lại tung các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Dự báo, tình trạng u ám của thị trường điện lạnh hiện nay chỉ là tạm thời. Từ cuối tháng 4 này, thị trường sẽ nóng lên và sẽ có sự chạy đua về giá giữa các hệ thống siêu thị điện máy, công ty và cửa hàng kinh doanh điện lạnh. Người tiêu dùng cần thận trọng lựa chọn sản phẩm, tránh mua phải các sản phẩm giá rẻ là hàng nhái các nhãn hiệu, có chất lượng không đảm bảo.

“Tuần qua có hiện tượng “ôm hàng” mùa hè của các “đầu nậu” lớn về điều hòa. Giá bán buôn cũng đã tăng từ 2-4% so với trước đó. Thị trường điều hòa có thể có cơn sốt “ảo” đẩy giá bán các mặt hàng này tới tay người tiêu dùng tăng cao (Nếu giá bán của đại lý cấp 1 tăng 1% thì sau khi qua nhiều kênh phân phối, người tiêu dùng sẽ bị mua giá cao). Do vậy, người tiêu dùng có nhu cầu thực sự nên tranh thủ mua hàng sớm để được hưởng giá tốt hơn” - ông Nguyễn Cảnh Ngọc nhấn mạnh.